TIN ĐÔNG NAM Á - Đăng tin miễn phí!

http://tindongnama.com


Vì sao Campuchia miễn phí ăn ở cho các đoàn SEA Games?

Campuchia không thu khoảng 4,5 triệu USD phí ăn ở và đi lại của các đoàn dự SEA Games 32, khi họ không cần lo ngại bài toán kinh phí.
 

Tháng 10/2017, Thủ tướng Campuchia Hun Sen vẫn còn không tin tưởng vào kế hoạch đăng cai SEA Games. "Chính phủ Campuchia đang cố gắng tiết kiệm tiền", Khmer Times dẫn lời ông khi đó. "Nếu muốn tổ chức SEA Games, chúng tôi phải chi hàng triệu USD để xây dựng địa điểm thi đấu và ăn ở cho VĐV. Chúng tôi thà dùng ngân sách đó để xây đường xá, cầu cống còn hơn".

Ba tháng trước đó, Tổng thống lúc bấy giờ của Philppines Rodrigo Duterte cũng than phiền về bài toán kinh phí SEA Games, và cho rằng đáng lẽ nước này nên dành tiền để xây dựng lại thành phố Marawi sau cuộc nội chiến. Ông Duterte không phải người đưa SEA Games 2019 về Philippines, mà là tiền nhiệm Benigno Aquino III.

1

Sân Morodok Techo, nơi tổ chức phần lớn môn thi SEA Games 32 ở Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: Reuters
 

Chi phí lớn nhất để tổ chức một đại hội thể thao quy mô thường là xây dựng cơ sở vật chất. Theo Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia tháng 1/2023, họ có thể tốn 200 triệu USD ngân sách để tổ chức SEA Games 32. Trong đó, chi phí xây khu liên hợp thể thao quốc gia Morodok Techo ở Phnom Penh tốn 160 triệu USD.

Theo Ngân hàng Thế giới, GDP của Campuchia năm 2021 tính theo phương pháp thông thường là 27 tỷ USD. Chi phí tổ chức SEA Games 32 với họ tương đương 0,74% GDP.

Việt Nam đã tiêu 51 triệu USD cho SEA Games 31 từ ngân sách Nhà nước, chưa kể các khoản chi của địa phương. GDP của Việt Nam năm 2021 khoảng 366 tỷ USD, có nghĩa chi phí tổ chức SEA Games 31 của chủ nhà chỉ tương ứng 0,014% GDP. Tỷ lệ này của Campuchia cao hơn 53 lần so với Việt Nam. Điều này không quá khó hiểu khi Việt Nam không tốn nhiều tiền để xây mới những địa điểm thi đấu như Campuchia.

Tuy nhiên hôm 18/4, Campuchia bất ngờ thông báo sẽ không thu bất cứ khoản phí nào của các đoàn dự SEA Games 32, từ đồ ăn, chỗ ở đến di chuyển tại đó. Chính Hun Sen đưa ra đề nghị này, trái ngược với những gì ông nói sáu năm về trước. Vài tháng trước đó, ông cũng thông báo sẽ không thu phí mua bản quyền truyền hình, truyền thông cho các môn thi tại Đại hội lần này. Khán giả cũng được miễn phí dự lễ khai mạc, bế mạc hay đến nơi thi đấu, dù là môn có sức hút như bóng đá.

Campuchia trở thành chủ nhà đầu tiên trong lịch sử SEA Games không thu những khoản phí trên, dù họ nằm trong nhóm quốc gia có GDP thấp ở khu vực, chỉ hơn Lào, Timor Leste và Brunei.

Ban đầu, Campuchia dự kiến thu 50 USD mỗi người mỗi ngày với các chi phí ăn ở, và đi lại của các đoàn dự Đại hội. Dự kiến có 9.000 người đến từ các đoàn dự SEA Games 32, tức là Campuchia chấp nhận không thu khoảng 4,5 triệu USD phí ăn ở và đi lại, nếu coi trung bình mỗi VĐV lưu trú 10 ngày. Khoản tiền này không nhỏ, dù chỉ chiếm 2,25% tổng chi phí của họ cho Đại hội.

Trong thông cáo hồi đầu tuần, Thủ tướng Campuchia Hun Sen lý giải: "Chúng tôi không cần tiền đến từ việc bán vé hay bất kỳ quảng cáo nào tại Campuchia. Nhu cầu của chúng tôi lúc này không phải là tiền thu lại từ các quốc gia, mà chính là nhu cầu để thế giới biết đến Campuchia".

2

Các VĐV Việt Nam biểu diễn trong lễ xuất quân dự SEA Games 32, tại Hà Nội tối 19/4/2023. Ảnh: Lâm Thoả
 

Quyết định của ông Hun Sen được người Đông Nam Á ủng hộ trên mạng xã hội. Tài khoản Facebook Evrin từ Indonesia bình luận: "Tuyệt vời, quyết định thật khác biệt. Campuchia đang cố gắng đưa Đại hội lên tầm cao mới. Chúc các bạn may mắn". Còn tài khoản Ming Sinh từ Campuchia phản hồi: "Tôi ủng hộ quyết định của chính phủ. Chúng tôi đang cố gắng tổ chức SEA Games theo cách tốt đẹp nhất, dù có những người cười vào quyết định của ông Hun Sen. Chúng tôi muốn cho các bạn thấy người Campuchia tốt bụng và nhân hậu thế nào".

Cũng có không ít người lo ngại liệu việc tổ chức SEA Games ảnh hưởng tới kinh tế Campuchia, đặc biệt là khi họ không thu các khoản phí trên. Tỷ lệ chi phí tương đương 0,74% GDP cũng không hề nhỏ. Với Việt Nam con số này lên tới 2,7 tỷ USD. Tại SEA Games 2009, Lào tốn 119 triệu USD chỉ để xây khu liên hợp thể thao quốc gia và làng VĐV, tương ứng 2% GDP nước này năm đó.

Vì sao Lào và Campuchia có thể sẵn sàng tốn số tiền lớn như vậy để tổ chức SEA Games? Trước hết, hai nước này chưa có một tổ hợp thể thao quốc gia đủ quy mô. Việc xây mới công trình này sẽ tạo động lực phát triển cho nền thể thao của họ. Điều này được Tổng thư ký Uỷ ban Olympic Campuchia Vath Chamroeun chia sẻ hồi tháng 6/2018, khi nói về tầm quan trọng của tổ hợp thể thao Morodok Techo. Ông còn cho rằng không chỉ thúc đẩy sự phát triển của thể thao, nơi này có thể được xem là cục nam châm thu hút khách du lịch quốc tế đến Campuchia.

Sau khi khánh thành, sân Morodok Techo sẽ lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á, chỉ sau sân Bukit Jalil (Malaysia, khoảng 110.000 chỗ) và gần gấp đôi sân Mỹ Đình (Việt Nam).

Lào và Campuchia còn được các nước láng giềng hỗ trợ đáng kể về tài chính, đặc biệt là Trung Quốc. Theo New York Times, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) từng cấp chi phí cho Lào xây khu liên hợp trị giá 100 triệu USD, đổi lấy 1.600 héc-ta đất ở ngoại ô Vientiane. Với mảnh đất này, CDB xây một khu đô thị được gọi là "thành phố Trung Quốc".

3

Bảng kế hoạch xây sân Morodok Techo ở ngoại ô Phnom Penh, theo tiếng Khmer và tiếng Trung. Ảnh: CNA
 

Trung Quốc cũng từng hỗ trợ Myanmar và Campuchia tổ chức SEA Games theo cách tương tự. Theo Channel News Asia, Trung Quốc trả hoàn toàn chi phí 160 triệu USD xây khu liên hợp Morodok Techo ở Phnom Penh, như một kế hoạch mở rộng đầu tư và quyền lực mềm ở Đông Nam Á. Trước đó, Trung Quốc cũng đã cho Campuchia vay hàng tỷ USD, để họ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Dù sao quyết định của ông Hun Sen cũng được các đoàn thể thao hoan nghênh. SEA Games cũng sẽ được hưởng lợi, để các môn thi được phủ sóng nhiều hơn trong khu vực. Campuchia cũng sẽ không phải lo ngại những vấn đề tài chính sau Đại hội, nhờ trợ giúp từ Trung Quốc.

Nguồn tin: Vnexpress.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây