Changi là cửa ngõ tiếp nhận, trung chuyển hàng hóa và hành khách quan trọng nhất trong khu vực cũng như trên thế giới. Chỉ riêng năm 2019, Changi đạt công suất vận chuyển hơn 2 triệu tấn hàng hóa, tiếp đón khoảng 73 triệu lượt khách. Nơi đây cũng là trung tâm hoạt động của nhiều hãng bay nổi tiếng như: Singapore Airlines, Tiger Airways, SilkAir, Scoot và Jetstar Asia Airways.
Hiện nay, có khá nhiều hãng hàng không khai thác tuyến bay thẳng từ Việt Nam sang Singapore, điểm hạ cánh là sân bay Quốc tế Changi. Các chặng bay phổ biến là TP. Hồ Chí Minh – Singapore hoặc Hà Nội – Singapore.
Nhiều hãng hàng không khai thác đường bay thẳng Việt Nam - Singapore @shutterstock
Thời gian bay khoảng hơn 2 tiếng, giá vé tùy thuộc vào hãng bay và thời điểm bay. Các hãng hàng không uy tín cho bạn lựa chọn là: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Singapore Airlines, SilkAir…
Changi hiện có 2 đường băng cất và hạ cánh nằm song song nhau, dài 4000 m, rộng 60 m. Cả 2 đường băng của sân bay Changi đều được trang bị các thiết bị hàng không hiện đại, đảm bảo cho máy bay cất và hạ cánh an toàn trong mọi điều kiện thời tiết.
Cơ sở hạ tầng chất lượng cao của sân bay Changi @shutterstock
Changi có khoảng 68 vị trí đỗ tàu bay. Cơ sở hạ tầng sân đỗ đủ khả năng tiếp nhận cả tàu bay tầm trung như A320, A321… và tàu bay cỡ lớn như A380, Boeing 777, 787.
Hiện tại, sân bay Quốc tế Changi có 4 nhà ga riêng biệt từ T1 – T4 và một khu phức hợp là Jewel Changi, được liên kết chặt chẽ với nhau theo hình chữ U. Nhà ga xây dựng theo kiến trúc vườn cây, đầy đủ các tiện nghi cần thiết. Ngoài ra, Changi còn đang tiến hành xây dựng nhà ga thứ 5.
Nhà ga T1 là nơi phục vụ các chuyến bay quốc tế đến hoặc đi từ Singapore. Các khu vực chức năng gồm có sảnh khởi hành, sảnh đến, sảnh trung chuyển và phòng chờ của hãng hàng không. Bên cạnh đó, nhà ga T1 của sân bay Changi còn có các dịch vụ tiện ích như trung tâm mua sắm, sim địa phương, y tế, đổi tiền miễn phí, dịch vụ doanh nhân…
Nhà ga T1 tiếp nhận các chuyến bay đến hoặc đi từ Singapore @shutterstock
Khu Aerotel Transit Hotel tại tầng 3 sảnh trung chuyển có 70 phòng nghỉ cao cấp dành cho hành khách quá cảnh với đầy đủ các dịch vụ như bar, phòng gym, bể sục và bể bơi. Ngoài ra, khi đến đây hành khách còn được chiêm ngưỡng công trình điêu khắc Kinetic Rain bằng đồng và chia sẻ hình ảnh, video với các hành khách khác thông qua “Cây xã hội”.
Nhà ga T2 vận hành từ năm 1990, liên kết với phía đông của nhà ga T1. Nhà ga này có tổng cộng 6 tầng gồm tầng hầm, phòng chờ khởi hành quá cảnh, sảnh khởi hành và phòng chờ của các hãng bay. Đây là nơi tiếp nhận các chuyến bay giữa Singapore với châu Phi, Trung Đông, Tiểu lục địa Ấn Độ và Đông Nam Á.
Các dịch vụ tiện ích tại nhà ga T2 sân bay Quốc tế Changi @shutterstock
Nhà ga T2 của sân bay Changi được trang bị đa dạng các dịch vụ tiện ích như spa, rạp chiếu phim, nhà hàng, quán bar và hệ thống vườn thực vật độc đáo. Tầng 3 có khách sạn Ambassador Transit Hotel cho khách quá cảnh, mở cửa 24/24, phục vụ nhu cầu lưu trú tối thiểu là 6 tiếng.
Nhà ga T3 là trụ sở chính của hãng hàng không Singapore Airlines, khai thác các chuyến bay giữa Singapore với Đông Á, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Châu Á và Châu Đại Dương. Các khu vực chức năng bao gồm tầng hầm, sảnh đến, sảnh khởi hành và sảnh khởi hành quá cảnh.
Vườn bươm bướm - khu vực hot nhất tại nhà ga T3 @shutterstock
Điểm nổi bật nhất của nhà ga này là Green World – bức tường xanh bao quanh từ tầng hầm lên đến tầng 5. Bên cạnh đó, đây còn là nơi trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật ấn tượng. Khách sạn phục vụ khách quá cảnh ở nhà ga T3 sân bay Changi được cung cấp bởi Ambassador Transit Hotel và Crowne Plaza Airport Hotel.
T4 là nhà ga sân bay tự động hoàn toàn, hiện đại nhất tại sân bay Quốc tế Changi. Đây là nhà ga phục vụ cho hoạt động khai thác của các hãng hàng không giá rẻ. Cấu trúc nhà ga có 3 phần là tầng hầm cùng hệ thống giao thông ngầm, sảnh đến và sảnh khởi hành quá cảnh.
T4 - nhà ga sân bay tự động cực kỳ hiện đại @shutterstock
Các hoạt động tại nhà ga này sẽ được tự động hóa bằng hệ thống tự nhận diện khuôn mặt. Hành khách phải tự làm các thủ tục check – in, ký gửi hành lý, gắn thẻ hành lý, thủ tục xuất cảnh bằng cách quét vân tay và hộ chiếu. Ngoài ra, nhà T4 còn có các khu tiện ích như khu bán đồ lưu niệm, nhà hàng, khu trò chơi điện tử…
Khu phức hợp Jewel Changi tại sân bay Changi Singapore được khánh thành từ năm 2019. Với tổng diện tích lên đến 135.700 m2, 5 tầng hầm và 5 tầng nổi, đây là khu phức hợp có thiết kế hiện đại, nhiều tiện nghi đa chức năng. Trung tâm của Jewel Changi là The Rain Vortex – thác nước xoáy trong nhà cao nhất thế giới.
The Rain Vortex – thác nước xoáy trong nhà cao nhất thế giới @shutterstock
Phân bố khắp khu phức hợp là các điểm tham quan, khu thương mại bán lẻ, nhà hàng, vườn cây. Hấp dẫn nhất phải kể đến Công viên Canopy, Thung lũng rừng nhiệt đới Shiseido, Cầu Canopy, Mê cung trong gương… Trung bình, mỗi ngày Jewel Changi đón hơn 300 nghìn lượt khách.
Nhà ga T5 dự kiến sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động trong giai đoạn 2020 – 2030. Mục tiêu của Changi là xây dựng một nhà ga sân bay lớn nhất thế giới, có hệ thống phục vụ tự động hiện đại, đáp ứng cho 50 triệu lượt khách mỗi năm.
Là một trong những sân bay đẹp và hiện đại nhất thế giới, Changi mang đến cho hành khách vô vàn trải nghiệm thú vị. Đến với sân bay này, bạn có thể tận hưởng các dịch vụ tiện sau:
Sân bay Quốc tế Changi có một rạp chiếu phim miễn phí nằm tại Terminal 2 và 3. Rạp phục vụ hành khách 24/24 và thường chiếu những bộ điện ảnh vừa ra rạp cách đó 2 – 3 tháng. Tuy là rạp chiếu phim miễn phí nhưng Changi vẫn trang bị cho hành khách một màn hình cực lớn cùng hệ thống sofa êm ái.
Hệ thống màn hình lớn và sofa êm ái trong rạp chiếu phim miễn phí @shutterstock
Entertainment Deck nằm tại Departure Transit Lounge, tầng 3 của Terminal 2. Nơi đây được mệnh danh là thiên đường giải trí với các phòng game như Playstation 3S, Xbox Kinect room, Xbox 360s và MTV booth.
Tại sân bay Quốc tế Changi có những khu vườn cực đẹp, là địa điểm check – in “sống ảo” mà bạn không thể bỏ qua.
Từ nhà ga T4, hành khách có thể lên tuyến xe buýt sân bay miễn phí Airport Shuttle Bus để sang nhà ga T3. Lộ trình di chuyển từ nhà T4 sang T1 và T2 cũng tương tự. Tần suất hoạt động của xe buýt là khoảng 20 phút/ chuyến, cụ thể như sau:
Lịch trình chi tiết của Airport Shuttle Bus từ nhà ga T4 và T3:
Sân bay Changi nằm cách trung tâm thành phố khoảng 20 km về phía Đông Bắc. Để về trung tâm, hành khách có thể lựa chọn một trong các loại phương tiện sau đây:
Tuyến xe buýt số 36 đi từ sân bay vào trung tâm thành phố có giá 1 chiều là 2 USD (~ 47.000 VND). Xe bắt đầu hoạt động từ 6h, chuyến cuối cùng là vào nửa đêm, thời gian di chuyển khoảng 1 giờ đồng hồ. Để bắt xe, du khách có thể đến tầng hầm Terminal 1, 2 và 3.
Dịch vụ xe buýt miễn phí hoạt động từ thứ 2 – thứ 6, từ 11h30 – 14h30. Tuy nhiên, phương tiện này chỉ phù hợp với hành khách có hành lý xách tay hoặc tiễn người thân.
Tàu điện ngầm MRT từ sân bay Changi về trung tâm hoạt động từ thứ 2 – thứ 6, chuyến sớm nhất là 5h19 và muộn nhất là 23h51, cuối tuần sẽ chạy muộn hơn vài phút. Hành khách sẽ đi từ Terminal 2 hoặc 3 đến ga Tanal Merah.
Hơn cả một sân bay thông thường, Changi sẽ mang đến cho hành khách nhiều trải nghiệm bất ngờ, thú vị. Hy vọng những thông tin cơ bản liên quan đến sân bay Changi trên đây sẽ hữu ích cho hành trình của bạn tại “đảo quốc sư tử” Singapore.
Nguồn tin: www.traveloka.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Nhà Đất TP. Thủ Đức - Dĩ An - Thuận An "Nhà phố - Căn hộ - Đất nền - Nhà vườn" Hotline: 056.417.8888 | ||