Chiều 11/2, ít giờ trước khi rời Brunei Darussalam, Thủ tướng Phạm Minh Chính toạ đàm với nhiều doanh nghiệp năng lượng và dầu khí Brunei.
Ông Dato Amin, Bộ trưởng thứ 2 Bộ trưởng Kinh tế Brunei nói ấn tượng với tăng trưởng vượt bậc của Việt Nam. Ông kỳ vọng hai bên sẽ tìm được cơ hội hợp tác lâu dài trong lĩnh vực thế mạnh của Brunei là năng lượng, dầu khí.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết vừa có cuộc hội đàm rất thành công với Quốc vương Brunei, thống nhất các phương hướng, giải pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại – đầu tư giữa hai nước lên tầm cao mới.
Ông đề nghị hai bên tập trung thúc đẩy các ngành kinh tế mới nổi, như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đề nghị đẩy mạnh hợp tác trong ba lĩnh vực cụ thể gồm năng lượng, hóa chất và thực phẩm Halal (thực phẩm dành cho người Hồi giáo).
Về năng lượng, Thủ tướng cho biết khi tọa đàm với Quốc vương Brunei, ông đã đề nghị có cơ chế ưu tiên thúc đẩy hợp tác dầu khí hai bên, tạo điều kiện cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tham gia cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí và dịch vụ khoan tại Brunei.
Ông cũng mong muốn phía Brunei gia hạn hợp đồng mua dầu thô của nước này cho năm 2023 và các năm tiếp theo. Đây là lĩnh vực Brunei có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu khi mỗi năm cần nhập 20-30% dầu thô.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự toạ đàm với các doanh nghiệp năng lượng Brunei, nhân chuyến thăm chính thức, ngày 11/2. Ảnh: Hoài Thu
Trong lĩnh vực hoá chất, ông đề nghị mở rộng hợp tác sản xuất phân bón trong nông nghiệp.
Lĩnh vực hợp tác thứ ba là sản xuất thực phẩm Halal (thực phẩm cho người Hồi giáo). Đây là lĩnh vực Việt Nam có nguồn nguyên liệu phong phú, có lợi thế về vận chuyển sang Brunei, nhưng không có thế mạnh sản xuất. Vì thế, Việt Nam sẽ cung cấp nguyên liệu để Brunei chế biến, sản xuất và xuất khẩu.
"Vấn đề là ai làm và làm thế nào. Chính phủ hai nước đưa ra định hướng, chủ trương và tạo khung khổ pháp lý. Bây giờ là hành động của các Bộ trưởng và các doanh nghiệp để khai thác dư địa hợp tác còn rất lớn", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cam kết tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế, tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất để doanh nghiệp hai nước hợp tác, tìm hiểu cơ hội đầu tư và tiếp cận thị trường.
Brunei hiện đứng thứ 26/142 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với 156 dự án và vốn đầu tư đăng ký đạt gần 1 tỷ USD, tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và có xu hướng tăng ngay cả trong giai đoạn đại dịch. Ở chiều ngược lại, dù vẫn còn khiêm tốn so với các nước khác trong khu vực, Việt Nam đã có 2 dự án đầu tư sang Brunei với tổng vốn đăng ký hơn 3,6 triệu USD.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt hơn 726 triệu USD và đã sớm hoàn thành mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 500 triệu USD trước thời hạn 2025. Trong đó, hợp tác về năng lượng, dầu khí là hợp tác "chủ lực" của hai bên.
Chiều tối 11/2, Thủ tướng và phu nhân ra sân bay, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Brunei.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Nhà Đất TP. Thủ Đức - Dĩ An - Thuận An "Nhà phố - Căn hộ - Đất nền - Nhà vườn" Hotline: 056.417.8888 | ||