Nông dân thu hoạch lúa trên cánh đồng ở tỉnh Roi Et, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Khi ngành sản xuất và du lịch gặp khó khăn trong 3 năm xảy ra dịch COVID-19, một số chính phủ Đông Nam Á nhận ra rằng họ cần đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Điều đó hiện đang được đền đáp.
Theo dữ liệu của chính phủ Campuchia, ngành nông nghiệp nước này đã tăng trưởng khoảng 6% trong năm 2020, 2021 so với năm 2019. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm 2022 đạt kỷ lục mới trên 53,22 tỉ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Trong năm 2022, thị trường EU chiếm khoảng 11% xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Kênh DW (Đức) nhận định rằng một số quốc gia Đông Nam Á đang theo đuổi “ nông nghiệp xanh” hoặc “ nông nghiệp bền vững” để thúc đẩy xuất khẩu đến các nước châu Âu đồng thời thu hút đầu tư lấy môi trường làm trung tâm từ EU.
EU đặt mục tiêu huy động khoảng 55 tỷ euro trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2027 để giúp các khu vực khác hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon.
Vào cuối năm 2021, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) đã cung cấp khoản viện trợ trị giá 15 triệu euro cho nông nghiệp bền vững ở Campuchia. Vào tháng 8/2022, EU đã hợp tác với Bangkok và Chiang Mai ở Thái Lan về sản xuất lương thực bền vững. Tại Philippines, EU có Sáng kiến Nhóm châu Âu trị giá 60 triệu euro về Kinh tế Xanh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp từ 2,5 – 3%/năm. Nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất, nước, thủy sản, rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%.
Thái Lan và Philippines, những nền kinh tế nông nghiệp chủ chốt, cũng đang nhanh chóng đi theo hướng đó. “ An ninh lương thực vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự quốc gia của chúng tôi. Được củng cố trong tầm nhìn của chúng tôi về một Philippines vào năm 2040 thịnh vượng, kiên cường và an toàn”, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr phát biểu tại Davos (Thụỵ Sĩ) vào tháng 1.
Trước khi dẫn đầu một phái đoàn doanh nghiệp đến Việt Nam vào năm 2022, Cao ủy Nông nghiệp EU, ông Janusz Wojciechowski lưu ý rằng một bước đột phá lớn trong thương mại nông nghiệp đã có thể thực hiện nhờ việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) năm 2020. Ông cho biết, thông qua hiệp định thương mại, công dân EU được tăng cường tiếp cận với trà và cà phê Việt Nam, cùng với nhiều loại hạt, gia vị và trái cây nhiệt đới ấn tượng. Một vài trong số những sản phẩm này được bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo quy định của EVFTA, như hồng không hạt Bảo Lâm và vải thiều Lục Ngạn.
Một quan chức EU chia sẻ với DW rằng họ hy vọng hợp tác về nông nghiệp xanh sẽ phát triển khi Brussels tìm cách ký hiệp định thương mại tự do mới với một số chính phủ Đông Nam Á khác. Một thỏa thuận thương mại có thể được thống nhất với Indonesia vào cuối năm nay. Thái Lan và Philippines đều bày tỏ mong muốn khởi động đàm phán. Thỏa thuận thương mại với hai quốc gia Đông Nam Á này có thể thúc đẩy đáng kể thương mại theo khu vực với EU.
Ông Chris Humphrey, giám đốc điều hành của Hội đồng Kinh doanh EU – ASEAN, nhận định: “Nhiều quốc gia trong ASEAN đang cố gắng hết sức để tăng sản lượng nông nghiệp và giá trị dinh dưỡng của thực phẩm được sản xuất tại địa phương – tất cả đều nhằm tăng cường an ninh lương thực, đồng thời nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu nông sản”.
Ông Humphrey cho biết thêm, mặc dù nhiều doanh nghiệp châu Âu đang hợp tác chặt chẽ với các chính phủ ASEAN trong lĩnh vực này và có nhiều cơ hội để tăng xuất khẩu nông sản từ Đông Nam Á đến châu Âu, nhưng các nhà xuất khẩu lại phải đối mặt với nhiều rào cản. Điều đó bao gồm khoảng cách và logistic liên quan đến thương mại, nhưng “cũng có những lo ngại xung quanh việc đáp ứng các quy định của EU mà nhiều hộ sản xuất nhỏ coi là một gánh nặng”.
Một bài nghiên cứu được xuất bản vào tháng 3/2022 về tiềm năng EU trở thành thị trường xuất khẩu nông nghiệp – thực phẩm của Lào có nội dung “thiếu hỗ trợ kỹ thuật từ các bên liên quan, quy định mới của EU và việc thực thi quy định đối với nông nghiệp – thực phẩm nhập khẩu… đều là những thách thức quan trọng đối mặt với các nhà xuất khẩu Lào”. Ngoài ra, nghiên cứu cho biết thêm, “đạt được chứng chỉ hữu cơ về tiêu chuẩn sản phẩm và yêu cầu an toàn là một vấn đề lớn khác mà các nhà xuất khẩu Lào phải đối mặt”.
Trong hai năm qua, EU và các hiệp hội doanh nghiệp châu Âu đã tài trợ cho các cuộc hội thảo trên khắp Đông Nam Á để giải thích rõ hơn về những thay đổi trong quy định.
Thu hoạch dầu cọ tại tỉnh Riau, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN
Việc EU thúc đẩy quan hệ về nông nghiệp bền vững được cho sẽ gặp nhiều phức tạp đối với Malaysia và Indonesia do sự khác biệt về dầu cọ. Indonesia và Malaysia khiếu nại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về kế hoạch của EU đến năm 2030 loại bỏ dần nhiên liệu sinh học có nguồn gốc dầu cọ. Brussels lấy lý do môi trường nhưng hai nước Đông Nam Á là nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới này, cho rằng đó là một biện pháp bảo hộ để giúp các nhà sản xuất dầu châu Âu. WTO dự kiến đưa ra phán quyết về vấn đề này vào đầu năm 2023. Chuyên gia nhận định rằng Indonesia và Malaysia có thể sẽ kháng cáo phán quyết của WTO nếu phán quyết không có lợi cho họ.
Theo một khảo sát gần đây của Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), gần 1/3 người Indonesia và 1/5 người Malaysia được hỏi không tin tưởng EU vì họ cho rằng lập trường của EU về môi trường và biến đổi khí hậu có thể đe dọa lợi ích của nước họ. Tuy nhiên, EU vẫn là một nhà đầu tư tích cực trong các dự án bảo tồn ở cả hai quốc gia này.
Tác giả bài viết: loc
Nguồn tin: vietgiaitri
Ý kiến bạn đọc